Ms. Scarlet
  • Home
  • Articles
    • Lifestyle
    • Dating
    • Self-love
  • Random thoughts
  • Contact Us

Những đôi giầy không phải của chúng ta

7/10/2018

0 Comments

 
Hãy tưởng tượng, bạn đang đứng ở một bờ vực. Bên kia bờ vực là tất cả những người quen biết bạn. Bạn rất muốn sang đó cùng với mọi người, nhưng khoảng cách quá xa để có thể nhảy qua. Bên cạnh bạn có một cái cây bị đổ, và mọi người bảo bạn, hãy lấy thân cây đó để làm cầu bắc qua. Bạn cố hết sức, nhưng cái thân cây quá nặng. Bạn lắc đầu bảo mình không thể qua, và cũng không biết làm thế nào để qua. Mọi người nhìn bạn một cách thương hại, đoán rằng có thể chỉ do bạn đang ốm mệt thôi. Vài ngày nữa, khi cơn ốm đã qua đi, hãy thử lại với cái thân cây.

Vài ngày sau, bạn thử lại. Vẫn không thể nhấc nổi. Bạn cố gắng rèn luyện cơ thể, nhưng sau vài tuần, cái thân cây vẫn trơ ra. Bạn nói chuyện với những người bên kia bờ vực. Họ chỉ nói rằng, hãy cố lên. Sau vài tháng, những người ở bên kia bắt đầu trách móc bạn, vì bạn bỏ lỡ những cuộc vui, các ngày sinh nhật, những lễ hội lớn. Họ nói rằng bạn chẳng hề cố gắng để sang cùng họ. Và rằng họ thất vọng. Có những người thậm chí bỏ đi khuất tầm mắt bạn.
​
Đó là câu chuyện về Trầm cảm, và một số chứng rối loạn tâm lý khác. 
Picture
*****
Vài năm trước mình đã từng bị trầm cảm trong một thời gian dài. Chỉ riêng việc một ngày dài 24 tiếng đã đủ khiến mình kiệt sức. Không làm gì mà vẫn kiệt sức, kiệt sức nên không thể làm gì. Mình vẫn đến lớp, dù không nhiều lắm, vẫn vui cười tập hát với câu lạc bộ, đi café ăn uống với bạn bè. Vẫn cập nhật nhạc mới, vẫn mua sách về đọc, vẫn sắm sửa quần áo phụ kiện. Nhìn chung, mình vẫn làm những thứ mà một đứa 19 tuổi bình thường làm. Có lẽ là khép kín hơn một chút, nhưng bản thân mình vốn không phải người thích giao lưu, ngoại trừ với một circle nhỏ, nên người ngoài nhìn vào, chẳng ai thấy có gì bất thường. Nhưng lúc đó, mỗi ngày giống như một cuộc chiến. Mà có lẽ cũng không phải cuộc chiến, vì chẳng có giằng co, chẳng đổ máu, không một chút hy sinh. Chỉ là một cuộc cãi vã nhỏ ngắn ngủi vào mỗi buổi sáng của “depressed Emm” (trầm cảm) và “rational Emm” (lý trí), là liệu có nên dậy đi học sáng nay không, và hầu như “depressed Emm” luôn thắng dễ dàng. Depression luôn thắng.
​
Nhiều người nghĩ một cách rất đơn giản, trầm cảm đơn giản là buồn, hoặc buồn trong một thời gian dài. Có lẽ vì từ Hán Việt “trầm cảm” thường được hiểu là “cảm xúc chùng xuống”, với chữ trầm trong “trầm mặc”, “màu trầm”, hay “trầm tính”. Tức là “buồn”.

Hãy nhìn qua tiếng Anh, vì có lẽ từ này giải thích cho chứng trầm cảm chính xác hơn một chút. Depression. Press nghĩa là ấn, nhấn, đè. De, theo gốc Latin, nghĩa là xuống. Đúng như cái tên của nó, depression là một thứ đè nặng và choán lấy toàn bộ cuộc sống của chúng ta chứ không đơn thuần là một cảm xúc hay một trạng thái.

Trong giai đoạn mà mình bị trầm cảm, ngày nào cũng dài lê thê. Mình không thật sự thấy buồn, nhưng mình không thể làm gì. Ngồi dậy và ra được khỏi giường cũng là một điều khó khăn, vì không có lý do nào để làm như vậy. Mọi thứ mình làm, từ ngồi dậy, ăn uống, đi học, tắm, tất cả là những thứ mà mình phải học cách ép bản thân làm. Mình không chán ghét cuộc đời, nhưng dường như không việc gì mình làm là có ý nghĩa cả. Cuộc sống của mình cứ thế xuống dốc thảm hại, nhưng mình không biết cách nào để vực dậy, và tệ hơn, cũng không thấy cần thiết phải vực dậy. That’s what depression does to you.

Nhiều người lúc ấy đã khuyên mình là hãy thử chơi thể thao, đọc nhiều sách hơn, hãy ăn uống những đồ siêu lành mạnh, hãy ra ngoài chơi với bạn bè, hãy tập thiền, và đủ các thứ hoạt động khác nhau. Mình cười và nói ừ, và mình cũng thật sự thích những ý tưởng đó. Nhưng mình không làm được. Giống như những việc bình thường hàng ngày, những thứ mới mẻ kia cũng hoàn toàn vô nghĩa. Dù mình cố gắng cho nó một cái ý nghĩa đến mức nào, depression vẫn thắng. Đơn giản giống như một con thú trong lồng vậy. Nó có muốn ra ngoài và chơi đùa và sống một cách bình thường tới mức nào đi nữa thì cũng không thể. Trầm cảm chính là cái lồng đó.

Không phải tất cả động vật đều bị giam cầm trong lồng. Có những loài dễ bị nhốt hơn, có những loài gần như chẳng ai bắt được bao giờ. Khi đã bị bắt nhốt, những con vật khác nhau cũng phản ứng khác nhau. Có những con gật đầu chấp nhận cuộc sống thê thảm loanh quanh trong cái không gian chật hẹp ấy, có những con điên cuồng tìm cách phá bỏ, có những con tự kết liễu đời mình vì không chịu đựng nổi. Hãy luôn nhớ rằng một cái lồng duy nhất có thể có nhiều mức độ tác động khác nhau lên từng cá thể, nên đừng bao giờ đánh giá thấp nó.

Và thêm nữa, hãy nhớ rằng, kể cả khi một người không thiếu tiền bạc, danh vọng, một người được chăm sóc cẩn thận, ăn uống cao lương mỹ vị, được tất cả mọi người kính nể, họ vẫn có thể đang phải ở trong một chiếc lồng vô hình. Hoặc, nói theo ẩn dụ đầu bài, đang đứng một mình ở bờ vực bên kia. Đến một lúc nào đó, trầm cảm có thể ăn mòn họ, và cách duy nhất để thoát ra, là nhảy.
​
Và bạn chắc chắn không phải người có quyền phán xét.
 
*****
Nhưng bài viết này không chỉ đơn thuần về trầm cảm.

Mỗi chúng ta đều có những vấn đề khác nhau, những cái quirks khác nhau, dù không nhất thiết phải tệ như trầm cảm hay các loại rối loạn tâm lý. Chúng ta trải qua cuộc đời khác nhau với những sự kiện khác nhau, bất kể tốt đẹp hay tệ hại, và những trải nghiệm đó hình thành nên con người của chúng ta, hay đúng hơn, cách mà chúng ta phản ứng với mọi thứ trong cuộc sống.

Một người đàn ông cao to và thành đạt, nhưng lớn lên trong một gia đình có 7 người chị gái, có một giọng nói nhỏ đến mức phải căng tai ra mới nghe được. Một cô gái 25 tuổi vẫn cắn móng tay cụt ngủn, vì hồi cấp 1 bị cô giáo dọa sẽ cắt móng tay học sinh bằng kéo nếu như kiểm tra hàng tuần thấy móng tay dài. Một chàng trai luôn yêu những cô gái coi thường và không bao giờ khen ngợi hay công nhận những điều anh ta làm được, vì mẹ anh ta là một người như thế, và anh ta, một cách vô thức, coi đó là biểu hiện của tình yêu thương.

Hôm trước mình có đọc được một bài báo về “lý do không ai ngờ tới dẫn đến béo phì ở phụ nữ”. Bài viết kể về một phát hiện đầy bất ngờ của tác giả khi họ thực hiện một nghiên cứu khoa học về quá trình giảm cân của những người phụ nữ béo phì. Tác giả nhận ra điều này khi X, một trong số những người phụ nữ tham gia nghiên cứu, giảm từ khoảng 200kg xuống một mức cân nặng tương đối bình thường. X giữ được cân nặng này trong vòng vài tuần. Vấn đề xảy ra khi có một người đàn ông ở chỗ làm buông lời tán tỉnh và tỏ ý muốn thân mật với cô. X từ chối, và từ đó bắt đầu tăng cân trở lại một cách không kiểm soát. Nhà nghiên cứu khám phá ra rằng, X đã từng bị ông của mình lạm dụng tình dục khi mới 10 tuổi, và ăn đến mức béo phì chính là một trong những cơ chế phòng thủ của cơ thể, dù bản thân X không ý thức được điều này, vì việc béo phì sẽ làm giảm khả năng phải đối mặt với việc bị lạm dụng một lần nữa. Sau đó, các nhà nghiên cứu kiểm tra hồ sơ của người tham gia, để rồi nhận ra rằng hơn 50% bọn họ đều có những vấn đề tâm lý nghiêm trọng sinh ra từ những chấn thương tương tự trong quá khứ, và họ sử dụng thức ăn như một phương thức bảo vệ chính mình.

Chúng ta, những người ngoài, tự cho là mình có toàn quyền chỉ trỏ và phán xét những hành động của người khác. Người này sai, người kia hơi sai. Cô A béo vì cô ta không biết tự chăm sóc, hoặc lười biếng. Anh B ngu vì đi vung tiền cho cô C dù biết cô C là hạng gái lăng nhăng đào mỏ, ăn chơi trác táng từ bé. Cậu D tự sát vì không biết yêu thương bản thân, yêu thương bố mẹ. Chúng ta sử dụng hệ quy chiếu của riêng chúng ta, và hệ quy chiếu của xã hội, để đánh giá một người là đúng hay sai, là tốt hay xấu, là đáng thương hay đáng trách, thay vì nhìn theo hướng của họ. Chúng ta không cân nhắc đến những chuyện mà họ đã trải qua, những yếu tố tác động khiến họ làm những điều họ làm, không chỉ ở chính thời điểm hành động, mà tất cả những biến động suốt cuộc đời họ dẫn đến thời điểm đó.

“Walk a mile in my shoes” (*) là một câu nói thông dụng, nhưng phần lớn mọi người chỉ dùng nó để yêu cầu người khác phải hiểu và thông cảm cho hành vi của mình, thay vì dùng nó như một kim chỉ nam nhắc nhở mình phải luôn luôn đặt bản thân vào vị trí của người xung quanh. Chúng ta thường nói, “Nếu là tôi ở trong trường hợp đó thì tôi sẽ…”, trong khi điều chúng ta nên nghĩ là, “Nếu mình là họ, trải qua chính xác những điều họ đã từng trải qua, có lẽ mình cũng sẽ hành xử như thế”. Nhưng không, chúng ta luôn nghĩ chúng ta đúng, và chúng ta lớn hơn, trưởng thành hơn, lý trí hơn, biết suy nghĩ hơn những người khác.

Tất nhiên, mình không, và không thể, sử dụng những lời lẽ này để bênh vực cho những kẻ tội phạm, vì an ninh trật tự của xã hội cần phải được bảo toàn. Và mình cũng không phải một vị thánh yêu quý tất cả mọi người. Ngược lại, mình là một kẻ khá khó tính và dễ cảm thấy khó chịu khi người khác làm những việc mình không thích, không ủng hộ, hoặc không hiểu. Nhưng mình biết rằng, điều tốt nhất mình có thể làm, và nên làm, là cố gắng chấp nhận sự khác biệt giữa các cá nhân. Thay vì mất năng lượng để khó chịu hay ghen ghét, thì hãy bỏ qua, và lờ đi. Bởi vì chúng ta không nhất thiết phải xỏ chân vào đôi giầy của họ. Chỉ cần nhìn đôi giầy thôi. Nếu không phải giầy của mình, who are you to judge? And why the hell care? Hãy để họ đi giầy của họ, trên con đường của họ. Tập trung vào cải thiện chất lượng và hình thức của chính đôi giầy bạn đang đi, có lẽ là điều khôn ngoan hơn.
 
- Emm
 
(*) Nghĩa đen: Xỏ giầy của tôi mà đi thử một dặm xem |   Nghĩa thông dụng: Đặt mình vào vị trí của tôi xem
0 Comments



Leave a Reply.

    Categories

    All
    Fashion
    Manners & Etiquette

  • Home
  • Articles
    • Lifestyle
    • Dating
    • Self-love
  • Random thoughts
  • Contact Us